Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP. Cần Thơ, thời gian qua, thị trường kinh doanh bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP. Cần Thơ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, hoạt động mua bán đất nền, nhà đất hình thành trong tương lai còn tiềm ẩn rủi ro, phát sinh tiêu cực.
Theo thông tin từ Hiệp hội BĐS TP. Cần Thơ, từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường BĐS trên địa bàn TP. Cần Thơ diễn ra sôi động, đặc biệt, các giao dịch mua bán đất nền hoặc nhà ở cất sẵn tại các khu dân cư. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường BĐS thành phố, từ đầu năm 2019 đến nay, TP. Cần Thơ đã công bố một số dự án về lĩnh vực BĐS để kêu gọi đầu tư như: Dự án Khu đô thị mới và tái định cư lô 14B thuộc Khu đô thị Nam Cần Thơ (quận Cái Răng) với diện tích 33ha; dự án Khu đô thị mới phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn với diện tích 22,6ha…
Theo Sở Xây dựng TP. Cần Thơ, hoạt động của thị trường BĐS trên địa bàn thành phố còn nhiều tiềm ẩn và xảy ra tiêu cực, nhất là hoạt động mua bán đất nền, nhà ở hình thành trong tương lai và nhà ở xã hội. Điển hình, ngày 22/7/2019, hàng chục hộ dân đang sinh sống tại Khu đô thị Hưng Phú đã đến trụ sở Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 8 (CIC8) căng băng rôn phản đối việc một Trung tâm bán đấu giá được Ngân hàng ủy quyền đăng thông báo chuẩn bị bán đấu giá các BĐS tại Lô số 49, Khu đô thị Hưng Phú để đảm bảo khoản nợ khoảng 225 tỷ đồng.
Đồng thời, các hộ dân đang sinh sống tại Khu đô thị Hưng Phú (quận Cái Răng) cũng đã yêu cầu Công ty CIC8, Chủ đầu tư Khu đô thị Hưng Phú giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các nền nhà tại Khu đô thị Hưng Phú mà các hộ dân này đã mua của Công ty CIC8. Được biết, khoản nợ khoảng 225 tỷ đồng này là do Công ty CIC8 đã đem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gần 200 hộ dân đã mua đất tại Lô số 49, Khu đô thị Hưng Phú để đem thế chấp vay Ngân hàng.
Ngay sau khi vụ việc trên xảy ra, UBND TP. Cần Thơ đã giao cho Sở TN&MT, Công an Thành phố, UBND quận Cái Răng làm việc với Công ty CIC8 và các bên liên quan để đưa ra giải pháp giải quyết vụ việc đảm bảo quyền lợi cho người dân. Trao đổi với phóng viên, một vị lãnh đạo Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP. Cần Thơ, Sở TN&MT hiện đang cùng với các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung làm việc với các bên liên quan rà soát các nội dung của vụ việc nêu trên để báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.
Trước tình trạng phát sinh những vấn đề tiêu cực liên quan đến một số dự án khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố; Sở Xây dựng TP. Cần Thơ vừa có Văn bản yêu cầu chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến giao dịch mua bán đất nền, nhà ở hình thành trong tương lai, nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, các Nghị định, Thông tư và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ cho biết: Chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại được huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định pháp luật. Tuy vậy, không được ủy quyền hoặc giao cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, góp vốn hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện ký hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng đặt cọc các giao dịch về nhà ở hoặc kinh doanh quyền sử dụng đất trong dự án.
“Đối với trường hợp mua bán đất nền, nhà ở hình thành trong tương lai phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không tranh chấp về quyền sử dụng đất, trong thời hạn sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đã có thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai cũng như được ngân hàng thương mại có đủ năng lực bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hành khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở đúng theo tiến độ đã cam kết với khách hàng…” - ông Mai Như Toàn thông tin thêm.
>>> Xem thêm:
>>> Xem thêm: