Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

VÙNG TÂY NGUYÊN: 117 ĐÔ THỊ, 10 CỬA KHẨU, 24 KHU CÔNG NGHIỆP VÀ 74 CỤM CÔNG NGHIỆP

 Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1194/QĐ-TTg duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Tây Nguyên đến năm 2030.

Theo đồ án quy hoạch xây dựng, Vùng Tây Nguyên có tổng diện tích 54.641,069 km2, bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Dự báo quy mô dân số đến năm 2020 vào khoảng 6.211.500 người, dân đô thị khoảng 2.081.800 người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 33,5%. Đến năm 2030 quy mô dân số toàn vùng khoảng 7.390.600 người, dân số đô thị khoảng 3.095.600 người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 40,7%.
Dự báo nhu cầu sử dụng các loại đất chính đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 33.470 ha; đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn khoảng 68.720 ha; đất xây dựng khu và cụm công nghiệp khoảng 11.880 ha; đất nông nghiệp khoảng 4.035.320 ha; diện tích đất rừng khoảng 3.336.000 ha; đất xây dựng công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật khoảng 3.690 ha.
Vùng Tây Nguyên được phân ra thành các tiểu vùng và dải hành lang phát triển kinh tế. Mỗi vùng không gian kinh tế được gắn với sự phát triển của các đô thị động lực trung tâm vùng, đô thị trung tâm các tiểu vùng và đô thị nhỏ có chức năng dịch vụ tổng hợp.
Tiểu vùng Bắc Tây Nguyên: Gồm 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum tập trung phát triển công nghiệp thuỷ điện; hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Ổn định phát triển các loại cây công nghiệp; thúc đẩy phát triển giao lưu thương mại hành lang biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.
Tiểu vùng Trung Tây Nguyên: Gồm toàn bộ tỉnh Đắk Lắk, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê.
Tiểu vùng Nam Tây Nguyên: Gồm 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, tập trung phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và nông nghiệp công nghệ cao.
Các dải hành hành lang phát triển kinh tế - đô thị gồm:
Dải kinh tế phía Đông bao gồm các huyện nằm phía Đông tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk là vùng phát triển nông lâm nghiệp;
Dải kinh tế trung tâm (cao nguyên Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk) là vùng nằm dọc hai bên đường Hồ Chí Minh trọng tâm phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực phục vụ xuất khẩu;
Dải hành lang kinh tế phía Tây gồm toàn bộ vùng không gian phía Tây huyện Đắk Glây, Ngọc Hồi, Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông (tỉnh Gia Lai), Ea Súp, Buôn Đôn, Cư jút (tỉnh Đắk Lắk) và toàn bộ tỉnh Đắk Nông trọng tâm phát triển công nghiệp khai thác chế biến bauxit, luyện nhôm và năng lượng thủy điện;
Vùng kinh tế - Đô thị Nam Tây Nguyên (tỉnh Lâm Đồng) gồm toàn bộ tỉnh Lâm Đồng là vùng chuyên canh rau, hoa ôn đới công nghệ cao phục vụ xuất khẩu và nội địa...
Đến năm 2030 vùng Tây Nguyên có 117 đô thị trên cơ sở nâng cấp 89 đô thị hiện có và xây dựng mới 28 đô thị. Trong đó có: 03 đô thị loại I, 03 đô thị loại II, 07 đô thị loại III, 21 đô thị loại IV, 83 đô thị loại V. Mạng lưới đô thị vùng Tây Nguyên phân theo các cấp gồm:
Thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm vùng Tây Nguyên, thành phố Đà Lạt là trung tâm du lịch cấp quốc gia và trung tâm chuyên ngành cấp vùng Tây Nguyên;
Thành phố Pleiku, Kon Tum, Gia Nghĩa là trung tâm tổng hợp cấp vùng tỉnh và trung tâm chuyên ngành cấp vùng Tây Nguyên;
Các đô thị Ngọc Hồi (Pleiku), Măng Đen - Kon Plông, Buôn Hồ, An Khê, Kiến Đức, Eaka, Đức Lập (Đắk Mil), Bảo Lộc là các đô thị trung tâm tiểu vùng;
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh là đô thị động lực vùng biên giới; các thị trấn trung tâm huyện có vai trò là đô thị dịch vụ tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn huyện.
Đến năm 2030 vùng sẽ xây dựng 10 cửa khẩu, trong đó có 04 cửa khẩu quốc tế: Bờ Y (Kon Tum), Lệ Thanh (Gia Lai), Bu Prăng (Đắk Nông), Đắk Ruê (Đắk Lắk); 01 cửa khẩu quốc gia là Đắk Per (Đắk Nông); 05 cửa khẩu phụ Tà Bộp, Tà Dạt, Mô Rai, Hồ Le (Kon Tum), Sa Thầy (Gia Lai). Xây dựng các cặp chợ đường biên cho nhân dân khu vực giáp biên giới.
Xây dựng 24 khu công nghiệp và 74 cụm công nghiệp, gồm các ngành: Công nghiệp chế biến nông lâm sản, năng lượng, sản xuất thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất phân vi sinh, sản xuất hàng tiêu dùng, dệt, may, da giày, cơ khí, sản xuất thiết bị chế biến, thiết bị giao thông, máy nông nghiệp, lắp ráp máy nông nghiệp. Các khu công nghiệp trọng điểm gồm: Hòa Bình, Sao Mai, Bờ Y, Trà Đa, Tây Pleiku, Hòa Phú, Ea H’leo Tâm Thắng, Quảng Đức, Lộc Sơn, Phú Hội, Đại Lào, Tân Phú, cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, chế biến bauxit tại khu vực Đăk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng.
Vùng Tây Nguyên có phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam; Phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; Phía Nam giáp các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước; Phía Tây giáp với các tỉnh Attapeu (Lào) và Ratanakiri và Mondulkiri (Campuchia).
Cùng với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên hợp thành vùng Nam Trung Bộ, thuộc Trung Bộ Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét