Gần 4.500 triệu USD làm đường sắt TP.HCM - Cần Thơ
(PL)- Đơn vị tư vấn đề xuất làm đường sắt dựa vào hành lang cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ để giảm thiểu chia cắt khu dân cư, giảm chi phí bồi thường…
Ngày 19-4, tại tỉnh Tiền Giang, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã cùng lãnh đạo các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Dương, TP.HCM nghe báo cáo của đơn vị tư vấn về điều chỉnh dự án tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ.
Điều chỉnh hướng tuyến qua ba tỉnh, TP
Theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - TP Cần Thơ được Bộ GTVT phê duyệt năm 2013. Tháng 11-2013, Bộ GTVT đồng ý giao Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam tiến hành nghiên cứu điều chỉnh dự án theo hình thức BOT.
Đơn vị tư vấn đã đề xuất phân kỳ đầu tư dự án thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ ga Tân Kiên (TP.HCM) đến ga Cần Thơ với chiều dài 139,6 km, đi qua TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ. Giai đoạn 2: Từ ga An Bình (Bình Dương) đến ga Tân Kiên và nhánh đường sắt vào cảng Hiệp Phước với chiều dài 33,6 km. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 4.500 triệu USD; trong đó hình thức đầu tư BOT khoảng 2.770 triệu USD, BT khoảng 1.730 triệu USD (do Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất).
Về hướng tuyến giai đoạn 1, đơn vị tư vấn đề nghị điều chỉnh hướng tuyến so với quy hoạch được phê duyệt trên địa bàn TP.HCM, Long An, Tiền Giang. Riêng hướng tuyến qua Vĩnh Long, Cần Thơ vẫn giữ nguyên quy hoạch phê duyệt. Phương án điều chỉnh này có chiều dài tuyến ngắn hơn 1 km.
Theo đơn vị tư vấn, mục đích của phương án điều chỉnh là sử dụng hành lang an toàn tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ để giảm thiểu việc chia cắt khu vực, chia cắt khu dân cư do tuyến đường sắt đi qua; tạo thuận lợi trong quản lý ranh hành lang an toàn giữa hai tuyến đường sắt và đường bộ. Đồng thời, phát triển hướng tuyến về phía Tây, khu vực có quỹ đất để phát triển và mở rộng các đô thị vệ tinh, tận dụng được các đầu mối giao thông liên kết với đường bộ cao tốc. Mặt khác, với phương án điều chỉnh này, tuyến đường cách xa các khu vực tập trung đông dân cư, giảm chi phí xây dựng.
Đến nay cả năm tỉnh, TP đã có ý kiến về phương án điều chỉnh quy hoạch. Trong đó, TP.HCM, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ đã có ý kiến thống nhất với hướng tuyến đề xuất điều chỉnh. Riêng Tiền Giang mới có ý kiến thống nhất chủ trương điều chỉnh hướng tuyến của UBND tỉnh.


Bộ trưởng chưa kết luận
Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá điều chỉnh quy hoạch dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ hiện chưa đủ các thông tin và chưa đủ cơ sở để Bộ GTVT kết luận. Theo bộ trưởng, các thông tin đơn vị tư vấn đưa ra chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy trình điều chỉnh quy hoạch.
Bộ trưởng Thể cho biết về nguyên tắc, sau năm năm quy hoạch Bộ sẽ rà soát quy hoạch để có những điều chỉnh thích hợp thực tiễn. Về tiến độ thời gian, đến thời điểm này ngành GTVT cũng cần có nghiên cứu để điều chỉnh quy hoạch dự án và xem việc điều chỉnh quy hoạch là trọng tâm của dự án.
Bộ trưởng Thể khẳng định: “Giao thông đường sắt không thể lẻ loi. Nó phải kết nối với đường bộ, đường thủy nội địa, đường hàng không, các cảng biển. Đối với dự án này, ngành GTVT đặc biệt quan tâm đến từng ga kết nối giao thông như thế nào, tuy nhiên phía đơn vị tư vấn chưa làm rõ được vấn đề này”.
Bộ trưởng Thể cho biết Bộ GTVT sẵn sàng chấp nhận điều chỉnh nhưng đề nghị đơn vị tư vấn phải nghiên cứu lại kỹ lưỡng, phải chứng minh được phương án điều chỉnh mới tốt hơn cái cũ.
TP.HCM từng kiến nghị điều chỉnh quy hoạch
Theo quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - TP Cần Thơ được Bộ GTVT phê duyệt năm 2013, chiều dài tuyến đường sắt là 173,677 km, đi qua các tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, gồm 14 ga, hai trạm khách. Về hướng tuyến, điểm đầu hàng hóa là ga An Bình (phường An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương), điểm đầu hành khách là ga Tân Kiên (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM); điểm cuối dự án là ga Cái Răng (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Vận tốc thiết kế 200 km/giờ.
Tháng 8-2017, tại Cần Thơ, Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam và Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDI SOUTH) báo cáo về điều chỉnh hướng tuyến của dự án. Theo đó, điểm đầu tàu khách là ga Tân Kiên, điểm cuối là ga Cái Răng. Tuyến đường sắt có 10 ga và đi qua năm tỉnh, TP gồm: TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Tháng 9-2018, UBND TP.HCM tiếp tục kiến nghị điều chỉnh quy hoạch đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ. Theo đó, TP.HCM đề xuất tuyến đường sắt cao tốc sẽ song hành với đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu. Việc điều chỉnh hướng tuyến mới giúp giảm chi phí xây dựng và thiết bị kèm theo giảm được 17.000 tỉ đồng. So với phương án được Bộ GTVT phê duyệt năm 2013, tuyến đường sắt cao tốc rút ngắn được 1 km, tức còn 139 km. Số nhà ga cũng giảm xuống chín.