- Tiếp tục tập trung phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông để đảm bảo giao thông liên hoàn, thông suốt cả về đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt và hàng không đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của thành phố Cần Thơ nói riêng và tạo tiền đề cho quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, kỹ thuật, xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Xây dựng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với bảo vệ và cải thiện môi trường, mang đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.
- Lập các quy hoạch ngành giao thông vận tải mang tính khoa học, bền vững, đồng bộ với quy hoạch của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo kết nối hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông giữa các tỉnh trong khu vực.
- Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, đẩy nhanh công tác rà soát, điều chỉnh và lập mới các quy hoạch phát triển ngành. Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt cần đưa ra định hướng chung và vạch ra các chương trình hành động cụ thể từ đó có kế hoạch vốn hợp lý, ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp để kêu gọi đầu tư, xã hội hóa nhằm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, bền vững, mạng lưới giao thông được kết nối liên hoàn đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả và tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí.
* Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015:
- Nâng cấp các tuyến quốc lộ qua địa bàn thành phố Cần Thơ, theo quy hoạch đạt quy mô cấp II, III đồng bằng, riêng những đoạn qua nội ô phù hợp theo quy hoạch địa phương.
- Nâng cấp các tuyến đường tỉnh quan trọng, đầu tư xây dựng đường vành đai, các đường trục chính theo quy hoạch và các trục đường nối từ các khu công nghiệp và các trục giao thông chính tạo sự kết nối tốt hơn với hệ thống quốc lộ và đường cao tốc liên tỉnh, đạt cấp II hoặc cấp III đồng bằng.
- Mở mới các trục đường đô thị theo quy hoạch của thành phố, xây dựng tiếp các trục đường ngang để kết nối với trục dọc, nâng cấp các tuyến đường ở các trung tâm quận, huyện, đạt quy mô đường đô thị theo quy hoạch, thảm bêtông nhựa tất cả các tuyến đường đô thị. Tiếp tục nâng cấp và mở mới các tuyến đường quận, huyện đạt quy mô cấp V đồng bằng.
- Nâng cấp chiều sâu toàn bộ hệ thống cảng đáp ứng nhu cầu vận tải và phù hợp quy hoạch cảng biển lớn vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
- Nâng cấp các tuyến vận tải thủy hiện có đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật.
- Nâng cao vai trò chủ đạo của các Doanh nghiệp vận tải quốc doanh hoặc Doanh nghiệp vận tải có vốn đầu tư của Nhà nước đủ thế và lực để điều tiết trong hoạt động vận tải.
- Mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến vùng sâu, vùng xa (trung tâm xã); xe buýt liên tỉnh.
- Quy hoạch đầu tư xây dựng vận tải hành khách công cộng bằng xe điện, xe điện ngầm.
* Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020:
- Nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống đường tỉnh theo quy hoạch đạt quy mô cấp II, III đồng bằng.
- Nâng cấp các tuyến đường huyện có nhu cầu vận tải cao lên đường tỉnh, tiếp tục nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến đường quận, huyện đạt quy mô cấp IV đồng bằng, nâng cấp và nhựa hóa hệ thống giao thông nông thôn.
- Nâng cấp hoàn chỉnh các bến xe, tàu khách đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hành khách và hàng hóa theo thực tế.
- Đưa công tác vận tải hành khách và hàng hóa đến năm 2020 đạt mục tiêu “An toàn - Chất lượng - Hiệu quả”.
+ Kế hoạch triển khai thực hiện:
- Sở Giao thông vận tải đang tổ chức lập quy hoạch điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Cần Thơ và các quy hoạch chi tiết của ngành giao thông vận tải (hệ thống đường thủy và các bến tàu, bến cảng thủy nội địa; bãi đậu xe và trạm dừng chân; giao thông đô thị…) làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố.
- Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp và đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Trung ương quản lý trên địa bàn, cụ thể như sau:
+ Đường bộ: nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91 (thuộc dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 91 đoạn từ Km7-Km50+889); đường gom dọc đường dẫn vào cầu Cần Thơ; cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối giao thông khu vực trung tâm ĐBSCL (bắc qua sông Hậu tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt); tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (tuyến có điểm đầu kết nối với Cầu Vàm Cống và đi về tỉnh Kiên Giang); cầu Nhị Kiều; kiến nghị Trung ương sớm nghiên cứu triển khai thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đi ngang thành phố Cần Thơ) thuộc hệ thống đường cao tốc quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt và kết hợp nghiên cứu gắn vào tuyến Quốc lộ 1 - Vòng cung - quốc lộ 80 nằm trên địa bàn thành phố.
+ Đường thủy: xây dựng luồng tàu mới qua kênh Quan Chánh Bố cho các tàu có tải trọng đến 20.000 DWT ra vào sông Hậu; duy trì nạo vét, duy tu luồng qua cửa Định An hàng năm đảm bảo cho tàu tải trọng 5.000 - 10.000 DWT qua cửa Định An.
+ Hệ thống cảng biển: nâng cấp, mở rộng Cụm cảng Cần Thơ; xây dựng hoàn chỉnh cảng Cái Cui có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 - 20.000 tấn; xây dựng khu cảng Trà Nóc có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 DWT và bến cảng Khu công nghiệp Thốt Nốt đáp ứng nhu cầu vận tải và phù hợp Quy hoạch cảng biển vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Về phía thành phố, quy hoạch và triển khai kêu gọi đầu tư các dự án: xây dựng cầu qua cù lao Tân Lộc; cầu chữ Y nối liền cồn Cái Khế - cồn Ấu - Xóm Chài; tuyến đường tỉnh 922; tuyến nối Quốc lộ 91 với đường Nam Sông Hậu (đang kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT); các dự án đường tỉnh 917, đường tỉnh 918, đường tỉnh 923 đoạn Phong Điền - Ba Se - Quốc lộ 91 (đang triển khai thủ tục đầu tư theo hình thức BT). Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: tuyến Cần Thơ - Vị Thanh (đoạn qua thành phố Cần Thơ giai đoạn II); nâng cấp Quốc lộ 91 (đoạn Bến xe mới - Cảng Trà Nóc); mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui; nâng cấp đường vào các khu công nghiệp phía Nam và cảng Cái Cui giai đoạn II.
- Ưu tiên thực hiện đầu tư các dự án giao thông mang tính chất liên vùng do trung ương quản lý qua địa bàn thành phố được nêu trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2009 về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ giai đoạn 2009-2015; Quyết định số 638/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2011 về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 11/2012/QĐ-TTg ngày 10 tháng 2 năm 2012 v/v phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
+ Hiện trạng hạ tầng giao thông vận tải thành phố Cần Thơ:
1. Đường bộ: hiện trạng hệ thống đường bộ thành phố Cần Thơ đến nay có 2.762,84km đường (trong đó có 123,72km đường quốc lộ, 183,85km đường tỉnh, 332,87km đường huyện, 153,33km đường đô thị, 1.969,08 km đường giao thông nông thôn).
2. Đường thủy:
- Các tuyến vận tải thủy do Trung ương quản lý đi qua TP.Cần Thơ gồm: tuyến TP. Hồ Chí Minh - Cà Mau (qua sông Hậu - sông Cần Thơ - kênh Xà No), tuyến TP. Hồ Chí Minh - Kiên Lương (qua sông Hậu - kênh Rạch Sỏi), tuyến Rạch Ô Môn - Kênh Thị Đội - Cửa sông Cái Bé.
- Mạng lưới đường thủy nội địa do thành phố Cần Thơ quản lý có tổng chiều dài 185,35km, mạng lưới đường thủy nội địa phân cấp cho các quận huyện quản lý có tổng chiều dài 380km.
3. Cảng biển: trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 03 cảng biển gồm: cảng Hoàng Diệu (quy mô tiếp nhận tàu trọng tải 1 vạn DWT hoặc 2 vạn DWT vơi mớn), cảng Trà Nóc (quy mô tiếp nhận tàu trọng tải 2.500 DWT), cảng Cái Cui (quy mô tiếp nhận tàu trọng tải 1 vạn DWT - 2 vạn DWT).
4. Đường hàng không: Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ có đường hạ cất cánh dài 3.000m rộng 45m có thể tiếp nhận các loại máy bay B777, B747 và các loại máy bay tương đương, nhà ga hành khách công suất 3 triệu lượt khách/năm với trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn phục vụ hành khách quốc tế.
5. Hệ thống bến xe và bãi đậu xe:
- Bến xe khách Cần Thơ QL.91B: tiêu chuẩn bến xe loại I, đã đưa vào hoạt động với diện tích 3,5ha công suất 2.000 lượt khách/ngày.
- Bến xe khách Hùng Vương (bến xe Cần Thơ cũ): diện tích khoảng 4.000m2, chứa khoảng 70 xe đậu.
- Bến xe Ô Môn: (chủ yếu đậu xe buýt): diện tích khoảng 3.000m2, mặt bến còn là đất cấp phối, các công trình phục vụ còn là tạm.
- Bến xe Thốt Nốt: diện tích khoảng 3000m2, mặt BTN, đậu xe tải thường xuyên 20 xe, đậu xe khách thường xuyên 10 xe, chỉ chạy liên tỉnh 01 tuyến Thốt Nốt-Biên Hòa-Vũng Tàu.
6. Hệ thống bến tàu:
- Bến tàu khách Cần Thơ: tại bến Ninh Kiều thuộc trung tâm TP. Cần Thơ, vùng tàu neo đậu được khoảng 30 chiếc. Khả năng thông qua bến khoảng 2300 lượt người/ngày.
- Bến tàu du lịch: tại trung tâm TP. Cần Thơ trên khu vực bến Ninh Kiều, cạnh bến tàu khách Cần Thơ.
- Bến tàu Ô Môn: tại trung tâm Thị trấn Ô Môn, phía bờ nam rạch Ô Môn, hiện kè bờ bằng BTCT và đá xây dài khoảng 100m.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét